Ngày nay, sự phát triển bùng nổ của các công ty dược cả trong và ngoài nước là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn biệt dược có chứa cùng một hoạt chất. Vì vậy việc kê đơn, sử dụng thuốc hướng tới mục tiêu hợp lý- an toàn- hiệu quả cho bệnh nhân ngày càng trở nên khó khăn hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp phân biệt thuốc phát minh (biệt dược gốc) với thuốc generic (thuốc mang tên gốc) và ưu nhược điểm của từng loại thuốc.
Thuốc phát minh (biệt dược gốc): Là sản phẩm thuốc có chứa dược chất mới do các nhà nghiên cứu hoặc các nhà sản xuất sáng chế ra. Hãng dược đứng tên bằng phát minh được phép sản xuất độc quyền sản phẩm trong một thời gian nhất định (thường là từ 10 đến 20 năm kể từ ngày dược chất được tìm thấy). Và trong thời gian bảo hộ, một công ty khác muốn sản xuất thuốc theo biệt dược gốc phải được sự cho phép của hãng độc quyền, đồng thời phải trả tiền bản quyền.
Một số ví dụ về biệt dược gốc gồm: Amaryl (Hoạt chất: Glimepiride, nhà sản xuất: Sanofi Aventis), Augmentin (Hoạt chất: Amoxicillin/Acid Clavulanic, nhà sản xuất: GlaxoSmithKline- GSK). Biệt dược gốc sau này sẽ được dùng làm cơ sở cho các thử nghiệm đánh giá tương đương sinh học của các thuốc generic.
Thuốc generic và thuốc gốc: Sau khi hết thời hạn bảo hộ phát minh, các công ty dược khác được phép sản xuất những thuốc tương tự biệt dược gốc được gọi tên là thuốc generic. Thuốc generic thường được đặt tên thương mại có thể giống hoặc khác với tên chung quốc tế (International Nonproprietary Names - INN).
Những thuốc generic mang tên gốc của dược chất (tên chung quốc tế), ví dụ như paracetamol, ibuprofen… thì được gọi là thuốc gốc.
Điểm giống nhau chắc chắn đầu tiên của thuốc generic và thuốc phát minh là phải có chứa cùng dược chất, với cùng hàm lượng hoặc nồng độ, cùng dạng bào chế và cùng đường dùng. Ví dụ: Amoxicillin 500 mg, viên nang cứng, dùng đường uống.
Thuốc generic và thuốc phát minh có thể khác nhau ở những đặc điểm như về hình dạng, màu sắc, mùi vị, bao bì, qui cách đóng gói, cách ghi nhãn, sự phối hợp tá dược, chất bảo quản… Song sự khác biệt lớn nhất giữa thuốc phát minh và thuốc generic là giá thành. Vì để tìm ra một dược chất và nghiên cứu phát triển thuốc mới là một dự án vô cùng phức tạp, tốn kém mà không phải hãng Dược nào cũng đủ tiềm lực tài chính- nhân sự để đầu tư. Trung bình, chi phí cho phát triển một loại thuốc mới mất thời gian hơn 10 năm và tốn kém khoảng trên dưới 1 tỷ USD. Các hợp chất mới trước hết được sàng lọc trong phòng thí nghiệm (tỉ lệ chọn là 1/10000- 1/1000 hoạt chất). Sau đó hợp chất được chọn sẽ được đánh giá độ an toàn, độc tính, hiệu quả, cơ chế tác dụng trong các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật hoặc các mô cơ quan phân lập và tiếp đến là những thử nghiệm lâm sàng trên người (người tình nguyện khỏe mạnh, người bệnh…). Cho đến khi thiết lập hồ sơ về đặc tính dược lực học (tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng không mong muốn, liều dùng…), đặc tính dược động học (hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ, sinh khả dụng…), đặc điểm dạng bào chế (bao gồm: Quá trình sản xuất, độ ổn định, độ tinh khiết, cách thức hòa tan…) và tính hiệu quả, độ an toàn thuốc mới được lưu hành trên thị trường. Những thuốc mới này sẽ được bán với giá rất đắt để bù lại chi phí cho những chiến dịch marketing đưa sản phẩm thâm nhập thị trường, thu hồi vốn đầu tư cũng như tiếp tục những dự án nghiên cứu phát triển thuốc mới. Trong khi đó, các thuốc generic gần như được kế thừa những kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn tiền lâm sàng và lâm sàng của thuốc phát minh nên chi phí nghiên cứu và sản xuất sẽ thấp hơn thuốc phát minh 70- 80%.
Thuốc phát minh: Có thể hiểu rằng thuốc phát minh là những thuốc mới với hiệu quả điều trị ưu việt; hoặc là sự phối hợp giữa các dược chất nhằm tăng hiệu quả điều trị, giảm khả năng kháng thuốc, giảm thiểu tác dụng không mong muốn; hoặc có khả năng trị những bệnh trước đó được coi là vô phương cứu chữa. Song, giá của những viên thuốc này lại vô cùng đắt đỏ- và với những người bệnh không có khả năng chi trả thì việc được dùng thuốc phát minh hay biệt dược gốc là rất khó. Một nhược điểm khác của thuốc phát minh, đó là người dùng vẫn có nguy cơ gặp những tác dụng bất lợi mà trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vẫn chưa được phát hiện, vì những độc tính sẽ xuất hiện muộn khi đã dùng thuốc kéo dài hay thậm chí là biểu hiện ở thế hệ sau (độc tính liên quan đến sinh sản, di truyền).
Lịch sử y học vẫn nhắc tới thảm họa thalidomid- thảm họa chim cánh cụt- khiến trên thế giới có khoảng từ 10.000 đến 20.000 trẻ em sinh ra bị dị tật, khiếm khuyết tay, chân, không tay, không chân hoặc bị co rút ngón tay, ngón chân… Khi bắt đầu được đưa vào sử dụng ở những năm cuối thập kỉ 50, đầu thập kỉ 60 của thế kỉ XX, thalidomide đã được coi là thần dược với tác dụng giảm đau, an thần vô cùng hiệu quả trong điều trị các chứng bệnh mất ngủ, ho, cảm lạnh và nhức đầu và có tác dụng tốt với chứng “nôn mửa buổi sáng” của thai phụ thời kỳ ốm nghén. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi thalidomide được lưu hành, ở châu Âu và nhiều nước bắt đầu xuất hiện những ca sinh non và sinh con dị tật. Chỉ trong 3 năm, số nạn nhân dị tật do dùng thuốc thalidomide gia tăng chóng mặt và thalidomide đã biến thành thảm họa lớn nhất trong lịch sử ngành y dược thế giới.
Ngày nay, hàng năm vẫn có nhiều biệt dược bị rút số đăng ký và thu hồi do được báo cáo là gây nhiều tai biến nghiêm trọng. Ví dụ như biệt dược gốc vioxx (sản phẩm của hãng Dược Merck Sharp & Dohme chứa dược chất rofecoxib- một thuốc giảm đau chống viêm không steroid được chỉ định để điều trị viêm khớp và đau cấp tính) bị thu hồi do có sự gia tăng nguy cơ tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những bệnh nhân dùng thuốc. Các hiện tượng này xuất hiện sau khi bệnh nhân dùng rofecoxib kể từ tháng điều trị thứ 18.
Thuốc generic: Thuốc generic chứa các hoạt chất đã được sử dụng suốt mấy thập kỷ nên bộc lộ hầu hết tác dụng không mong muốn hay những tai biến liên quan, do đó hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Hơn nữa, giá thành lại thấp hơn nhiều so với thuốc phát minh, nên thuốc generic đem đến nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn cho người sử dụng. Giá thành thấp hơn so với thuốc phát minh là vậy, song không có nghĩa là về mặt chất lượng hay hiệu quả điều trị thuốc generic lại thua kém thuốc phát minh. Một thuốc generic muốn được phép lưu thông trên thị trường cần phải trải qua quá trình đăng ký- kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt bởi Cục quản lý Dược. Chúng phải được sản xuất bởi xưởng đã đạt GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) và được chứng minh về hiệu quả, độ an toàn, nêu rõ đường dùng, cách dùng, liều dùng, phương pháp sản xuất, cách thức kiểm tra chất lượng (tiêu chuẩn để kiểm nghiệm, thẩm định phương pháp phân tích), độ ổn định của sản phẩm…
Một thuốc generic thậm chí có thể thay thế được thuốc phát minh trong điều trị nếu chứng minh được chế phẩm đó có mức độ và tốc độ hấp thu dược chất (sinh khả dụng) gần giống biệt dược gốc (đánh giá tương đương sinh học) hoặc chứng minh được tương đương lâm sàng (chế phẩm tạo đáp ứng dược lý và kiểm soát được triệu chứng bệnh ở mức độ giống biệt dược gốc).
Các thuốc generic hoặc thuốc phát minh có thể thay thế lẫn nhau trong điều trị khi đã chứng minh tương đương sinh học hoặc tương đương lâm sàng. Tuy nhiên, sự tự ý đổi thuốc đã được bác sĩ kê đơn không được khuyến khích, nhất là trong một số trường hợp bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc không dung nạp với một số tá dược như lactose, gluten, sulfite, tartrazine (trường hợp này bệnh nhân có thể tránh được bằng cách đọc kỹ phần tá dược sử dụng trong toa thuốc). Và với một số thuốc có độc tính cao hay khoảng điều trị hẹp (liều điều trị rất gần với liều gây độc tính) như digoxin, cyclosporine, flecainide, lithium, phenytoin, sirolimus, tacrolimus, theophylline và warfarin… thì việc dùng những biệt dược thay thế cũng cần phải rất thận trọng. Trên lâm sàng đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc phenytoin khi dùng 2 chế phẩm có tá dược độn khác nhau (lactose và calci phosphate) vì viên dùng tá dược độn là lactose nồng độ dược chất tăng cao hơn nhiều so với viên dùng calci phosphate và gây ngộ độc cho bệnh nhân.
Mặc dù ưu và nhược điểm của hai loại thuốc rõ ràng như trên, nhưng sự lựa chọn loại thuốc nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ở cả phía bệnh nhân và bác sĩ. Trong quy chế kê đơn hiện nay cũng khuyến khích các bác sĩ kê đơn thuốc theo tên thương mại có chú thích thêm tên chung quốc tế để tránh bị nhầm lẫn khi có nhiều tên thuốc na ná như nhau mà chỉ định điều trị khác nhau; hoặc tránh dùng trùng lặp dược chất trong cùng một đơn gây ngộ độc do quá liều; hoặc dễ dàng lựa chọn thuốc thay thế (sau khi đã cân nhắc nguy cơ).
ThS. Mai Ngọc Tú
Nguồn: