Người mắc bệnh Whitmore chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vị trí da, vết thương bị xây xước hoặc hít phải bụi, hơi nước, uống nước có nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân Whitmore điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Bệnh viện
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết từ đầu tháng 10-2020 đến giữa tháng 11-2020, đơn vị ghi nhận 28 trường hợp mắc , tăng đột biến so với trung bình hằng năm.Trong đó, khoảng 50% bệnh nhân là người dân Thừa Thiên - Huế, còn lại là các bệnh nhân từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...
Nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... khiến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.
Theo thống kê tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ 2014-2019 có 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkholderia Pseudomallei). Từ tháng 1 đến tháng 9-2020, có 11 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.
Số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỉ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.
Bệnh Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này được tìm thấy trong đất, nước bẩn hay tại các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng; có thể lây lan sang người và động vật bằng việc tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.
Người mắc bệnh Whitmore chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vị trí da, vết thương bị xây xước hoặc hít phải bụi, hơi nước, uống nước có nhiễm khuẩn.
Tại chỗ xâm nhập, chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ ápxe lớn. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, tạng dẫn đến nguy cơ tử vong.
Bệnh Whitmore thường gặp ở người có tiền sử đái đáo đường, chiếm tỉ lệ khoảng 37-60% người mắc. Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày và dài nhất là 62 năm.
Hầu hết các bệnh nhân mắc Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan. Chẩn đoán dễ bỏ sót và dễ nhầm với bệnh khác, đặc biệt là bệnh lao do tính chất tổn thương giống lao.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương - phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm; sử dụng giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất, nước bẩn, nước lụt.
Đặc biệt khi có vết thương hở, vết loét... cần cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng.
Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.
Nguồn: //tuoitre.vn/benh-whitmore-tang-o-mien-trung-20201118092815667.htm