Đại Học Phan Châu Trinh đã được Bộ Giáo Dục & Đào Tạo cấp giấy phép mở khoa Y đào tạo Bác sỹ đa khoa hệ 6 năm. Khóa đầu tiên sẽ khai giảng vào mùa thu, tháng 9 năm nay (2018). Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, người Sáng Lập/Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) cho biết phương hướng đào tạo như sau:
- Chương trình giảng dạy theo đúng khung của Bộ Giáo Dục & Đào tạo để khi ra trường sinh viên được phép hành nghề Bác Sỹ, nhưng giáo trình học sẽ được cập nhật với các trường Y khoa, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ nên sinh viên phải học bằng tiếng Anh từ năm thứ nhất, dần dần tăng lên tới trình độ đọc được tài liệu học tập bằng tiếng Anh và trao đổi được với các giảng viên quốc tế mà đa phần là Hoa Kỳ. Hiện nay Ban Giảng Huấn cho năm thứ nhất đã có 5 GS.TS.Bs Mỹ tham gia cùng những giảng viên người Việt mà đa số là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ đã từng là giảng viên của các Đại Học Y Dược TP HCM hay Y Dược Huế, Hà nội.
Một góc phòng thí nghiệm của PCTU
- Thế mạnh của PCTU là có 4 bệnh viện thực tập nên sinh viên được đi thực tập lâm sàng ngay từ năm thứ nhất. Sinh viên được thực hành trong bệnh viện 70% đến 80% thời gian 6 năm. Đó là điểm ưu việt của PCTU so với các trường Y tư nhân khác không có bệnh viện thực tập riêng cho sinh viên của mình.
Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng - Nơi thực hành của sinh viên
- Đồng thời, phương châm của PCTU là đào tạo song hành với nghiên cứu khoa học , do đó ngay khi sáng lập khoa y, hội đồng trường đã chọn khái niệm chính sách GTS - Genome to Society, tức nghiên cứu sự liên hệ giữa Y Học phân tử (Molecular Medicine) với Y Học lâm sàng (Clinical Medicine) của Đại học Y Khoa Johns Hopkins, một trường Y có tiếng bậc nhất Hoa Kỳ. Trường đã thành lập Trung tâm Nghiên Cứu Kỹ Thuật và Ứng Dụng gene trong Y Sinh (Center of Research and Application of Gene in Bio-medicine – CRAGB) ngay trong năm 2018, để phục vụ mục tiêu giảng dạy đồng thời nghiên cứu, chẩn đoán và ứng dụng điều trị lâm sàng. Sinh viên (SV) được khuyến khích tập sự nghiên cứu ngay từ những năm đầu.
- Khống chế số lượng SV trong một khóa: Khóa đầu tiên chỉ tuyển 50 SV và không quá 100 SV cho những khóa sau. Đó là một yếu tố tối quan trọng cho chất lượng đào tạo. Các trường Y nổi tiếng bên Mỹ như Harvard, Johns Hopkins, Stanford đều tôn trọng tiêu chuẩn 100 cho mỗi khóa. Việc giảng dạy lâm sàng trong bệnh viện sẽ giữ tỷ số 1/4 (một Bác sỹ giảng viên chỉ hướng dẫn bốn SV, vì học Y cũng như học đàn, ông thầy phải cầm tay uốn nắn cho từng học trò).
- Kiểm tra trình độ sinh viên PCTU để dần nâng lên tương đương với các sinh viên Y khoa Hoa Kỳ bằng các kỳ thi tương đương với USMLE (United States Medical Licensing Examination). Sinh viên Y khoa Mỹ hay các Bác sỹ nước ngoài phải qua các kỳ thi này mới được bằng bác sỹ (Medical Doctor – MD) của Mỹ. Các giảng viên người Mỹ sẽ huấn luyện sinh viên trong kế hoạch này. Đồng thời trong thời gian 6 năm học, mỗi sinh viên đều có cơ hội thực tập lâm sàng (clerkship) tại các bệnh viện Hoa Kỳ hay Canada mà trường Phan châu trinh có hợp tác.
- PCT đang tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo sau ra trường. Trong đó Bác sỹ tốt nghiệp tại PCTU có thể tiếp tục học các khóa Postdoctoral Residency ( sau đại học ) ngay tại PCTU. Hiện nay trường Đại Học Quốc tế Next Generation University (website: ) đã ký thỏa hiệp ghi nhớ (MOU) hỗ trợ cho các chương trình trên của PCTU và cấp chứng chỉ quốc tế được kiểm định cho các học viên.
- Nhà trường có chính sách giúp sinh viên vay tiền đóng học phí với lãi suất ưu đãi (Với sự hỗ trợ của ngân hàng Á Châu - ACB).
- Ban Giám Hiệu gồm Chủ Tịch HĐQT: BS Nguyễn Hữu Tùng, Hiệu Trưởng: TS BS Phạm Hùng Vân, Khoa Trưởng: GS TS BS Bùi Duy Tâm. Thế mạnh của PCTU là cả ba vị lãnh đạo đều là Bác Sĩ Y Khoa có kinh nghiệm quản lý và giảng dạy:
* BS Nguyễn Hữu Tùng, Sáng lập/ Chủ tịch HĐQT đã từng có trong tay một hệ thống bệnh viện tư nhân đầu tiên và lớn nhất Việt Nam, với 10 bệnh viện, 2.000 nhân viên, gần 400 bác sĩ, trải dài từ Huế đến Cà Mâu. BV Hoàn Mỹ của ông đặt chất lượng lên trên giá tiền, chủ trương chăm sóc tốt, có văn hóa ứng xử hòa nhã, luôn tâm niệm “người bệnh không có lỗi”, nên họ vui lòng trả phí xứng với sự phục vụ. Động lực làm việc của ông không phải là làm giàu cho chính mình mà là lòng Vị Tha hướng tới người bệnh. Ông thành lập BV. Hoàn Mỹ - Cửu Long do lòng mơ ước của ông: giúp 30% dân số Đồng bằng sông Cửu Long khỏi phải vất vả lên Sài Gòn khám bệnh. Ông có nhiều đam mê sáng tạo. Xây bệnh viện trên đồi Long Thọ, Đà Lạt là một đầu tư lãng mạn gây nhiều nguy cơ tài chính nhưng bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt đã trở thành một tuyệt tác về mặt kiến trúc và được tạp chí Further Art bầu chọn là công trình có kiến trúc bệnh viện đẹp nhất châu Á năm 2006.
Giấc mộng của ông đã ôm ấp từ bao năm là thành lập một Đại Học Y Khoa để đào tạo một lớp y bác sĩ giỏi chuyên môn, theo các chương trình giảng dạy quốc tế và nhận thức lại ý nghĩa của nghề. Học làm bác sĩ không phải để hái ra tiền mà để cứu nhân độ thế. “Người thầy thuốc” phải học làm người trước rồi mới học làm thầy thuốc được.
BS Nguyễn Hữu Tùng đang khám bệnh từ thiện tại Trường
Cho nên ông không ngần ngại nhượng Hoàn Mỹ lại cho Fortis International, đi vào hệ thống M&A. Ông chia sẻ: “Tôi ngộ ra, tất cả tài sản trên thế gian này đều là tài sản của xã hội. Khi Hoàn Mỹ phát triển đến một mức nào đó vượt khỏi khả năng của tôi, tôi cần chia sẻ để cộng hưởng thêm nhiều sức mạnh mới, Hoàn Mỹ sẽ thêm lớn mạnh và cũng để tinh thần được thảnh thơi chú tâm vào công cuộc đào tạo những thế hệ thày thuốc lý tưởng cho xã hội.”
Về sự nghiệp Kinh Doanh, BS. Nguyễn Hữu Tùng đã lên tới đỉnh cao khi được nhật báo The Japan Times vinh danh là một trong 100 CEO xuất sắc nhất châu Á năm 2012, “100 Next Era CEOs in Asia”.
Rồi đây BS. Nguyễn Hữu Tùng sẽ đạt thêm một đỉnh cao trong sự nghiệp Giáo Dục Y Khoa khi PCTU trở nên mô hình lý tưởng cho một trường Y Việt Nam.
* TS.BS. Phạm Hùng Vân, Hiệu Trưởng đặc trách khoa Y
Trong suốt 35 năm giảng dạy về vi sinh y khoa tại trường Y Dược TP.HCM, ông đã có bao nhiêu lớp sinh viên y khoa cũng như hậu đại học được ông truyền đạt các kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu và hiện đại của ngành vi sinh áp dụng trong y học. Ông là người tiên phong trong việc gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học nhất là trong lãnh vực ông đảm trách, vì với ông: “Knowing is not enough, we must apply; willing is not enough, we must do”. Nhiều công trình nghiên cứu mới mẻ cũng được ông triển khai tại Trường Đại Học Y Dược cũng như hỗ trợ nhiều trung tâm nghiên cứu khác trong nước. Ông đã từng tu nghiệp tại Hà Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và cũng cùng với các nhà nghiên cứu của các tổ chức nước sở tại hợp tác các nghiên cứu về Sinh Học Phân Tử, Miễn Dịch Học lâm sàng và đề kháng các thuốc kháng sinh.
Ông đã hình thành và phát triển phòng thí nghiệm sinh học phân tử cho Trường Đại Học Y Dược trở thành một phòng thí nghiệm y sinh học hữu dụng nhất trong chẩn đoán và nghiên cứu của nhà trường vào thời đó.
Nhằm mục đích phổ biến rộng rãi hơn các ứng dụng cũng như các sản phẩm mà ông nghiên cứu được ra nhiều bệnh viện cũng như trung tâm chẩn đoán, ông và một số đồng nghiệp sáng lập viên của công ty NK-BIOTEK và hiện nay đã trở thành một công ty cũng như trung tâm nghiên cứu ứng dụng y sinh được biết đến và tin cậy nhiều nhất. Ông cũng tham gia nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, cụ thể: Năm 1999, là Thành Viên Chính của ANSORP (Asian Network for Surveillance of Resistant pathogens) và APFID (Asian Pacific Foundation for Infectiuos Diseases). Năm 2008, ông trở thành thành viên của hội đồng tư vấn của Châu Á Thái Bình Dương về vaccin cộng hợp phế cầu và protein D của H. Influenzae trong công việc nghiên cứu đánh bạt tác nhân phế cầu gây nhiễm trùng. Năm 2009 ông là Chủ Tịch Hội Sinh Học Phân Tử Y Khoa Việt Nam thuộc hội Hóa Sinh Y Học Việt Nam, và năm 2013 ông là Chủ Tịch Hội Vi Sinh Lâm Sàng TP. Hồ Chí Minh. Nhiều giải thưởng trong nước và nước ngoài đã dành cho ông, trong đó có cả giải thưởng thành tựu trọn đời do Hội San Francisco-HCMC trao tặng nhằm vinh danh người có công dành đời mình cho khoa học.
Trước khi được mời vào vị trí Hiệu Trưởng kiêm Trưởng Khoa Y của trường Đại Học Phan Châu Trinh, Quảng Nam- ngay quê hương ông. TS. BS. Phạm Hùng Vân đã từng lãnh đạo một trường Y tư thục miền Nam với chức vụ quyền Khoa Trưởng. Gần đây ông lại được cử làm Giám đốc viện IGY quốc tế (Institute of international IGY, mới thành lập).
Ông say mê nghề Y nhất là Vi Sinh Học. Ông nói: "Một thử nghiệm vi sinh cần vài ba ngày mới biết kết quả nên rất hồi hộp lãng mạn chờ mong như mong người tình. Hơn nữa vi sinh có con gây bệnh nhất là bệnh truyền nhiễm và ngay cả ung thư như H. pylori trong bao tử. Nhưng ngược lại có con bảo vệ môi trường như vi sinh trong ruột. Trong Y Học ranh giới giữa tốt với xấu, giữa sống với chết rất mong manh nên người thày thuốc phải cố gắng phấn đấu suy nghĩ đúng dắn, tránh sai lầm tai hại cho sinh mạng."
Do đó TS.BS. Phạm Hùng Vân không những là một nhà khoa học thông bác mà lại là một Kẻ Sĩ biết trọng Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, xứng đáng là một vị Lãnh Đạo, một bậc Thầy khả kính của PCTU.
* GS.TS.BS. Bùi Duy Tâm: Trưởng Khoa Y.
Tôi nhận lời điều hành khoa Y PCTU vì 2 lý do:
- Tôi say mê đào tạo Thầy Thuốc giỏi và tốt mà PCTU là môi trường có nhiều triển vọng thành một Trường Y Lý Tưởng.
- Tôi quí mến hai người bạn vong niên của tôi là BS. Nguyễn Hữu Tùng và BS. Phạm Hùng Vân. Hai vị này rất giỏi và có cùng một ước nguyện như tôi về giáo dục Y Khoa.
Với kiến thức của một Thủ Khoa Tiến Sĩ tại UCSF (University of California in San Francisco), một trường Y bậc nhất Hoa Kỳ và với các mối liên hệ với Y giới Hoa Kỳ trong suốt hơn 40 năm hành nghề MD tại California, tôi sẽ cùng các bạn đồng nghiệp Mỹ, mang Y Thuật Hoa Kỳ vào cho khoa Y PCTU.
Với kinh nghiệm của một giáo sư niên trưởng đã từng lãnh đạo, giảng dậy cho nhiều trường Y công và tư trong nước, tôi sẽ đích thân chăm sóc cho sinh viên được học tập hứng thú hiệu quả, trong tinh thần đại học phóng khoáng mà vẫn giữ nền nếp nho nhả của người trí thức Việt nam, trong tinh thần kỷ luật của một trường võ bị mà vẫn sống được cái vô cùng của tuổi thanh niên.
Trong phần cuối bài viết này để giới thiệu Khoa Y PCTU, tôi phải nói vài lời trân trọng về:
*TS. BS. Nguyễn Đỗ Ngọc Linh, Trưởng phòng đào tạo.
Thi đỗ á khoa trong kỳ thi Đại học năm 2005, cô được học lớp Cử nhân tài năng do Agence Universitaire Francophonie (AUF) tài trợ. Trong quá trình học, cô được đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Pháp, kết thúc 6 năm học, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Pháp, giành được học bổng AUF học Thạc sĩ về chuyên ngành Vi sinh ở trường Đại học Paris 7 (Master 1) và Paris 11 (Master 2), Cộng hòa Pháp. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ, tiếp tục nhận được học bổng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (Bourse d’Excellence) để làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành Vi sinh tại viện Pasteur, trường Đại học Lille 2 thành phố Lille, Pháp. Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ, cô trở về Việt Nam làm việc.
BS. Linh đã là một học sinh, sinh viên, bác sỹ, thạc sỹ, tiến sỹ xuất sắc trong quá trình học hành thi cử. Về nghiên cứu BS. Linh có nhiều bài báo cáo khoa học được đăng trên tạp chí của CNRS (Centre National de la Recherche Scientifique), là một trong những học viện nghiên cứu đẳng cấp nhất thế giới về khoa học. Qua những lần trao đổi về công việc nhà trường, tôi nhận thấy BS. Linh quả là một nữ lưu thông tiệp, nhanh chóng thi hành, thích ứng với hoàn cảnh, uyển chuyển giải quyết công việc. Tôi rất an tâm có một người phụ tá thường trực tại chỗ như BS. Linh để giao tiếp với sinh viên, phụ huynh và các cơ quan liên hệ.
Giờ đây PCTU đã sẵn sàng đón tiếp các ứng viên vào khóa đầu tiên của Khoa Y PCTU.
Chúng tôi hoan hỉ đón chờ các bạn, các bác sĩ tương lai của Đại Học Phan Chu Trinh!
GS.TS.BS. Bùi Duy Tâm MD.PhD.
Trưởng Khoa Y, ĐH.Phan Chu Trinh, Quảng