Theo trang The Guardian, hiện có ba cấp học hàm phổ biến, gồm GS trợ tá (Assistant Professor), PGS (Associate Professor), GS chính thức (Full Professor). Ngoài Việt Nam thì Trung Quốc, Thái Lan và một số nước Châu Á đang xem GS là chức danh suốt đời, được hội đồng quốc gia xét duyệt. Cơ chế này có hạn chế là “ tôn vinh” cả những người chưa từng hoặc không còn làm trong các đại học, viện nghiên cứu.
Trái lại, ở Mỹ, Nhật, hàn và nhiều nước Châu Âu, học hàm GS do Đại học bổ nhiệm kèm theo nhiều tiêu chí về giảng dạy và nghiên cứu. Quy định này nhằm trao quyền tự chủ cho trường và ràng buộc họ vẫn tiếp tục đóng góp cho nơi công tác và nền học thuật nói chung, việc xứng danh GS luôn đi kèm với nơi công tác, chẳng hạn “GS Alexa B.Kimball ở ĐH Harvard”. Nếu không còn ở trường hoặc bị tước học hàm, họ không được mang danh GS nữa.
Trở thành một GS khá khó. Trang Smart Science Carreer nêu ra các tiêu chí mà hội đồng tuyển chọn GS của DH Mỹ thường dùng đánh giá ứng viên như có chuyên môn thích hợp , kinh nghiệm làm việc và giảng dạy từ 5-10 năm, có các bài báo khoa học uy tín, trải nghiệm nhiều hội thảo, dự án nghiên cứu quốc tế, có quan hệ tốt với cộng đồng học thuật , khả năng tự gây quỹ nghiên cứu.
Tại Nhật, hàn các trường thường rất cân nhắc khi phong GS để phù hợp với quỹ lương. Thông thường, khoảng 5-10% tiến sĩ trờ thành GS ở một trường. Theo cơ chế đào thải, nếu GS không đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu, giảng dạy có thể bị thay đổi bằng một ứng viên khác. Điều này tạo áp lực cho GS luôn tiếp tục nghiên cứu.
Tại Úc, các trường thường được áp số lượng GS khác nhau để tránh phong hàm tràn lan, đồng thời tạo danh tiếng cho từng trường thông qua số GS họ đang có. Ở Châu Âu, trước đây một số nước có phong "GS suốt đời" nhưng giờ đã bỏ. Nguyên do vì sau khi phấn đấu đạt được học hàm suốt đời này, nhiều người thỏa mãn và không nghiên cứu nữa.
Trọng Nhân
Theo báo Thanh niên