Học y ở những trường như Harvard hẳn nhiên là đắt, nhưng những khoản chi phụ mới là thứ khiến sinh viên nghèo sửng sốt và vật lộn hàng ngày.
David Velasquez, 24 tuổi, là một người nhập cư từ Nicaragua. Anh sớm hiểu hệ thống y tế tại Mỹ vốn không dành cho những người như anh. Cho tới bây giờ, David chưa từng tới các phòng khám riêng do gia đình anh không kham nổi.
Năm anh 12 tuổi, David chứng kiến mẹ đỡ đầu của anh qua đời vì ung thư. Điều kiện kinh tế không cho phép, bà chỉ tới bệnh viện khi bệnh đã nặng. Là người duy nhất trong gia đình có khả năng học đại học, David nuôi chí trở thành bác sĩ.
|
David Velasquez. Ảnh: New York Times |
Xuất thân từ gia đình nghèo không có nhiều mối quan hệ, anh cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để cạnh tranh với các thí sinh khác. Khi đăng ký bài thi MCAT (bài thi tuyển sinh Đại học Y khoa), anh đã gọi điện cho Trung tâm Princeton Review xin giảm giá gói luyện thi 1.200 USD. Tuy nhiên, trung tâm từ chối. Anh phải làm thêm giờ để chi trả tiền học. Đóng tiền thi xong, trong túi David còn 4,8 USD.
Đây là tình trạng chung của nhiều sinh viên nghèo học y tại Mỹ.
Các trường đại học y thường lựa chọn ứng viên từ gia đình da trắng thu nhập cao. Kể từ năm 1988 đến năm 2017, hơn ba phần tư số sinh viên trường Y tại Mỹ lớn lên từ các gia đình giàu có.
Thông thường, khâu chuẩn bị cho thi tuyển bao gồm lệ phí nộp đơn đăng ký: 130 USD cho nguyện vọng 1 và 40 USD cho mỗi nguyện vọng tiếp theo; chi phí trang phục và đi lại cho các buổi phỏng vấn: trung bình hơn 200 USD mỗi trường. Sau khi trúng tuyển, sinh viên cần mua các thiết bị y tế để hỗ trợ quá trình học tập. Chi phí cho các bài kiểm tra và chứng nhận là 600 USD mỗi năm.
Năm 2018, khoản nợ trung bình của các sinh viên học y lên tới 200.000 USD, tăng 4% so với năm 2017.
Shawn Johnson, sinh ra ở vùng ngoại ô Stockton, California. Anh nộp đơn đăng ký một trường cao đẳng tại Oregon, chưa chắc chắn về ngành học. Khi người bạn thân nhất mắc bệnh ung thư, anh nhen nhóm ý định theo học ngành y. Giáo viên khuyên khích anh đăng ký khóa thực tập nghiên cứu mùa hè tại Đại học Harvard. Hai cha con Shawn phấn khích tưởng như bay lên trần nhà khi nhận thông báo được nhận vào học.
|
Shawn Johnson trì hoãn tái khám sau phẫu thuật để có tiền chi trả các hóa đơn. Ảnh: New York Times |
Bắt đầu đến lớp, các khoản chi bổ sung dần hiện ra trước mắt chàng trai. Này thì ống nghe tim phổi kèm đèn soi đáy mắt 1.000 đôla; các khóa bổ trợ Uworld 500 đôla, ngân hàng câu hỏi y khoa 200 đôla, hỗ trợ thi kỳ đầu 40 đôla. Rồi thì phí đăng ký thi giai đoạn một là 630 đôla, gia đoạn hai 1.300 đôla, tài liệu tham khảo 630 đôla nữa. Shawn nhìn các bạn cùng lớp thảy thẻ tín dụng từ trong túi ra, "như thể họ đang mua món đồ giá 5 đôla trên eBay vậy".
"Bạn phải quyết định xem sẽ dùng khoản vay sinh viên để chi trả cho dụng cụ học tập, hay để dành đó và một ngày xấu trời sẽ gửi về cho cha mẹ hoặc người thân ốm đau", anh chia sẻ.
Shawn cho thuê lại căn ký túc của mình và ngủ trong khuôn viên trường suốt vài tháng, dành dụm tiền gửi về cho cha mẹ. Dù bị biến chứng do phẫu thuật đầu gối, anh không tái khám trong nhiều tuần liền. Bác sĩ của trường kinh ngạc khi một sinh viên trường y mà lại trì hoãn việc điều trị. Shawn giải thích anh cần tiết kiệm tiền để đủ trang trải việc học.
Sarah Burns, sinh viên năm ba Đại học Y Ohio, cho biết các khoản nợ sinh viên tạo nhiều sức ép đối với cô, khiến các kỳ thi trở thành gánh nặng hơn bao giờ hết. Kỳ thi chứng chỉ ngành nghề y khoa tại Mỹ USMLE Giai đoạn 2 có chi phí hơn 1.200 USD.
Quy trình chứng nhận y khoa của Mỹ bao gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 và 2 là bắt buộc đối với sinh viên muốn trở thành bác sĩ. Phân tích năm 2019 cho thấy, doanh thu của kỳ thi đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ.
Sự căng thẳng của kỳ thi không chỉ nằm ở khía cạnh tài chính. Các bài thi được coi là yếu tố quyết định tới sự nghiệp y khoa của mỗi bác sĩ tương lai. Một nghiên cứu năm 2017 của các trường y thuộc New York University và University of Michigan cho thấy, vào quãng thời gian ôn thi, sinh viên học trung bình 11 tiếng mỗi ngày.
|
Amanda Tomlinson. Ảnh: New York Times |
Mối lo của sinh viên khiến ngành kinh doanh thi cử trở nên béo bở. "Sinh viên càng lo lắng, họ càng dễ hoảng hốt và sa vào việc mua thứ gì đó để học thêm", Amanda Tomlinson, sinh viên năm ba tại Icahn School of Medicine at Mount Sinai, cho biết. Nào là thẻ ghi nhớ, nào là gia sư.
Một số sinh viên cho biết, áp lực từ các khoản nợ khiến quá trình học tập được nhìn dưới lăng kính méo mó. Amanda thường phải suy tính trước mỗi món chi tiêu, chẳng hạn 20 USD cho bữa tối. "Với lãi suất 7%, tôi sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho khoản này vào 10 năm sau", cô nói.
Chi phí đắt đỏ khi học y trở thành một rào cản cho sinh viên khi lựa chọn chuyên ngành. Các lĩnh vực dễ kiếm tiền như phẫu thuật thẩm mỹ bỗng hấp dẫn hơn, trong khi những vị trí ít tiền hơn như bác sĩ gia đình trở nên lu mờ. Randall Tassone, sinh viên Đại học Y Harvard, sinh ra trong gia đình thu nhập thấp vùng nông thôn Pennsylvania, nói việc học tập cùng những người bạn giàu có khiến anh hiểu ra rằng, tiền là điều vô cùng quan trọng đối với văn hóa trường y, quá trình học tập cũng như cấu trúc xã hội.
Tuy thế vẫn có những sinh viên cảm thấy nghĩa vụ phục vụ những người đã sinh ra và nuôi lớn họ.
"Tôi muốn chứng minh với cộng đồng mình rằng phía trên chiếc áo blouse trắng vẫn có thể là một gương mặt màu", Jose Calderon, sinh viên y năm hai Đại học Vermont, người không có bảo hiểm y tế suốt thời thơ ấu, nói. "Điều đó sẽ truyền cảm hứng cho các em nhỏ sống ở khu ổ chuột ở Houston hay South Central Los Angeles".
Nghiên cứu thực hiện năm 2018 cho thấy, sức khỏe của các bệnh nhân da đen cải thiện đáng kể khi được các bác sĩ da đen điều trị. Shawn Johnson kể rằng các bệnh nhân cấp cứu thấy thoải mái hơn khi có bác sĩ người Mỹ gốc Phi như anh chăm sóc.
Sau khi tốt nghiệp, David Velasquez dự định làm việc tại khoa cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân vô gia cư, không có bảo hiểm và những người nghèo. Nhưng David cũng sớm nhận ra rằng anh sẽ phải mất rất nhiều tiền để thực hiện ước mơ.