Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 tới gần, cả nước tưng bừng gặp gỡ, vinh danh, chúc tụng các thương nhân - đội ngũ đã, đang và sẽ gồng gánh đất nước trên con đường phát triển, hội nhập.
Trong khuôn khổ nầy - Tạp chí VIỆT NAM HỘI NHẬP tổ chức lễ tôn vinh doanh nhân tiêu biểu năm 2020 tại dinh Thống Nhất sáng ngày 11. 10. 2020
DOANH NHÂN BẠCH THÁI BƯỞI TỪ BÀN TAY TRẮNG ĐÃ LÀM GIÀU NHƯ THẾ NÀO ?
NGUYỄN THIỆN
Bài viết có sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn
Doanh nghiệp Việt Nam phát triển trên tinh thần doanh nhân - Nghĩa là người chủ phải năng động và có tinh thần, ý chí vượt qua hoàn cảnh, thuật ngữ kinh tế gọi là tinh thần doanh nghiệp.
Sự mạo hiểm, sự chịu khó, sáng tạo, tiết kiệm, có định hướng đầu tư đúng.
Trong lịch sử nước nhà đầu thế kỷ XX , Việt Nam có một nhân vật xứng đáng để được hậu thế lưu danh.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã vượt qua mọi hoàn cảnh để làm giàu như thế nào để cùng góp phần xây dựng nền tảng dân giàu nước mạnh
Ông Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là khuôn mặt nổi tiếng của 30 năm đầu thế kỷ XX tôi đang muốn nói đến , bởi vì lịch sử sẽ còn nói nhiều về ông, một nhân vật làm rạng danh cho giới doanh nhân Việt Nam.
Nói đến lịch sử Việt Nam doanh nhân để hàng năm có ngày 13. 10 là phải nhớ đến những năm đầu thế kỷ XX, không ai không nhớ đến tên tuổi của Chúa sông nước Bắc Kỳ, vua tàu thủy Việt Nam .
Ngày ông qua đời (22-7-1932), tạp chí Đông Thanh, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã đánh giá về ông: Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được người đương thời và các thế hệ đi sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn, có tinh thần tự tôn dân tộc, một tâm hồn Việt,
Từ bàn tay trắng , ông Bạch Thái Bưởi, làm nên sự nghiệp, được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX (nhất Sĩ (Huyện Sĩ); nhì Phương (Tổng đốc Phương), tam Xường (Lý Tường Quan), tứ Bưởi. Bạch Thái Bưởi là biểu tượng của “Phong trào chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp”.
Ông không phải họ Bạch. Họ này của một người nhà giàu, nhận ông làm con nuôi, cho ăn học và đổi họ. Vốn họ Đỗ, sinh năm 1874, tại làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (ngoại thành Hà Nội). Nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ sinh kế bằng một gánh hàng rong, do vậy, tuổi thơ ông thấu hiểu cảnh khổ. Được đến trường, ông học giỏi, cả quốc ngữ lẫn chữ Pháp, rồi làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp tại Hà Nội, sau chuyển sang hãng thầu công chính. Qua thực tiễn, ông có những kinh nghiệm bước đầu của công việc kinh doanh.
Nhân có hội chợ Bordeaux ở Pháp, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ chọn ông sang để làm nhiệm vụ giới thiệu những mặt hàng triển lãm. Thời gian tại đây, ông đã nhìn tận mắt, sờ tận tay những gì của văn minh phương Tây, nhất là trong cung cách làm ăn, quản lý sản xuất, tổ chức kinh doanh của họ,… Khi về lại nước nhà, ông lao vào thương trường, cạnh tranh kinh tế với người Hoa, người Pháp.
Chắc chắn rằng, trong sự nghiệp của mình, Bạch Thái Bưởi có chịu ảnh hưởng nhất định của phong trào Duy Tân, Đông Du. Tinh thần doanh nghiêp, như lịch sử đã chứng minh, đó là tinh thần yêu nước, thể hiện bản lĩnh của người Việt Nam, cạnh tranh với thương nhân nước ngoài, chứ chưa phải thu lợi là chính.
Những thập niên đầu thế kỷ XX, phong trào xây dựng hợp thương, nông hội, thương hội của Quảng Nam lan tỏa ra cho cả nước. Nguyễn Văn Xuân nhận xét: “Từ hợp thương đến học hiệu, thực sự đây là một phong trào nhân dân chưa hề thấy ở Việt Nam trước đó. Nhờ tinh thần hợp tác chặt chẽ của sĩ phu có tâm huyết, nêu gương cho cả nước học kinh doanh mà kinh tế mỗi ngày lên vùn vụt… Và khi Phan Châu Trinh rời Quảng Nam ra Hà Nội (1907) cùng các đồng chí thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục và các cơ sở kinh tế khác ở đất Bắc thì có thể nói khắp dải Trung Bắc đã phấp phới lá cờ Duy Tân, lá cờ Minh xã, nghĩa là công khai hóa mọi tổ chức, mọi hoạt động” (Xem Phong trào Duy Tân và tinh thần doanh nghiệp trong tuyển tập Chuyện thời chúng ta sống, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007, trang 225).
Năm 1926, Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn, từ xứ Bắc, Bạch Thái Bưởi gửi vào câu đối viếng:
Bốn ngàn năm nước cũ đương cuộc đổi thay. Cờ thực nghiệp, trống tân dân. May mắn thay một gánh non sông, rết có nhiều chân mừng cũng nhảy.
Sáu mươi tuổi thân già bao phen hiểm trở. Chí Ngu công, hồn tinh vệ. Đau đớn nhẽ nửa đêm mưa gió, tằm tuy hết ruột vẫn còn vương.
(Lễ tang Chí sĩ Phan Châu Trinh, NXB Đà Nẵng, 2006, trang 46)
“Cờ thực nghiệp, trống tân dân…tằm tuy hết ruột vẫn còn vương” chính là tấm lòng, ước nguyện của họ Bạch noi theo chí hướng cụ Phan.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống, thế là, ông nhập cuộc bằng cách hợp tác khai thác gỗ để làm tà-vẹt. Lăn lộn trong kinh doanh, ông nhận ra chỗ đến của mình ở một lĩnh vực khác, vậy là, ông tìm đến ngành nghề mới: vận tải đường sông.
Năm 1909, công ty của A.R.Marty hết hạn hợp đồng, ông liền thuê lại các tàu của hãng này. Công việc kinh doanh sông nước của Bạch Thái Bưởi bắt đầu từ đây. Với cung cách quản lý của ông và những người cộng sự đầy tâm huyết, sự nghiệp thương thuyền, hàng hải ngày một phát đạt và không ngừng lớn mạnh. Các tuyến đường sông Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy, rồi Hà Nội - Hải Phòng,… đều có mặt tàu thuyền của ông. Ông còn có cả một cơ xưởng sửa chữa và sản xuất các phụ tùng, do những người tâm phúc của ông quản lý và điều khiển.
Cũng nên biết rằng, một người Quảng Nam có đầu óc thực tiễn, đã từng là thư ký cho công ty vận tải đường biển của Bạch Thái Bưởi, chuyên viết thư từ giao dịch bằng chữ Hán với các hãng buôn Hồng Kông, Vân Nam… và thảo các văn thư ngắn bằng tiếng Pháp gửi các hãng tàu thủy ở Pháp vào những năm 1916-1917, người đó là Phan Khôi (Xem Chương Dân thi thoại, NXB Đà Nẵng, 1996, trang 155).
Cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, công ty Bạch Thái Bưởi đã có nhiều đội thuyền lớn, tỏa khắp sông ngòi Bắc Bộ, vươn ra đến tận các nước như Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore,
Bạch Thái Bưởi thành công trong thương trường nhờ là biết vận dụng cách quản lý mới của người Âu, tận tình với khách hàng, phục vụ chu đáo, luôn quan tâm đến vấn đề an toàn, tu sửa tàu thuyền định kỳ, tránh gây phiền toái và thiệt hại cho khách. Bên cạnh đó, ngay từ thời buổi ấy, ông đã biết vận dụng các hình thức như quảng cáo, cổ động, tiếp thị, kể cả diễn thuyết, đăng thơ tuyên truyền, giới thiệu tuyến đường mới, v.v…Cách làm mới mẻ này đã thu hút không ít khách đi tàu. Khách hàng, đối với công ty của ông, đúng là thượng đế thật.
Ông cũng là người khai sinh ra một nghề mới: nghề đóng tàu thuyền theo kỹ thuật và kiểu dáng phương Tây. Tàu Bình Chuẩn do cơ xưởng ông đóng, hạ thủy, chạy đường dài từ Hải Phòng, qua Đà Nẵng, Quy Nhơn đến cảng Sài Gòn, làm nức lòng không ít người Việt. Việc tấm biển đồng do nhiều nhà kinh doanh Nam Bộ khắc tặng: Au Bình Chuẩn, le premier bateau annamite à Saigon (Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu đầu tiên của An Nam đến Sài Gòn) đã cho thấy lòng tự hào dân tộc của những người cùng chung chí hướng như ông. Dĩ nhiên là, vốn ra đời trong khung cảnh nền kinh tế thuộc địa, nguồn vốn và quy mô nhỏ, những người như ông không thể không bị tư sản Pháp và chính quyền thực dân o ép, song những gì Bạch Thái Bưởi nghĩ và làm đều chứng minh cái gan làm giàu và ước mơ của ông đối với nền kinh tế nước nhà. Việc ông đặt tên tàu bằng các địa danh Yên Bái, Chợ Bờ, Phố Lu…hay tên lịch sử Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi…càng cho thấy tấm lòng, trái tim của ông đối với đất nước. Không những thế, ông còn mở nhà in Đông Kinh thư quán, ra báo Khai hóa và mua quân dụng phiếu, ủng hộ cho Quang Phục Hội.
Phải khẳng định thêm rằng, chính những tác động của các phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân đã góp phần khơi gợi, đánh thức nơi ông cùng những người như ông cái ước mơ kinh bang tế thế, cởi trói cái tư tưởng trọng vương khinh bá, nói như giáo sư Trần Văn Giàu, là chỉ biết đề cao cái học Nho giáo lỗi thời mà coi khinh khoa học-kỹ thuật và con đường thực nghiệp, chấn hưng kinh tế. Xét dưới góc độ đó, quả đúng ông là “một bậc vĩ nhân ở đất Bắc, một bậc trượng phu trong giới thương trường” (Điếu văn của Hội Khai Trí Tiến Đức), làm rạng danh con người Việt Nam một thời. “Lịch sử của ông đáng phô bày cho quốc dân biết, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn noi theo” (Điếu văn của Hội Khai Trí Tiến Đức).
Giữa bối cảnh đất nước ta đang vươn lên phía trước, hội nhập quốc tế, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, xây dựng một xã hội văn minh, ấm no thì tấm gương của Bạch Thái Bưởi càng xiết bao ý nghĩa!
Hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, dẫn tới doanh nhân chưa thực sự giữ được vai trò là “động lực” của nền kinh tế.
Dianh nhân Việt Nam mong muốn được công bằng , không có sự phân biêt doanh nghiệp nhà nước , doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình Việt Nam Hội Nhập
Nguồn: Facebook: Nguyễn Thiện