Thế giới đã ghi nhận 244.076.424 ca nhiễm nCoV và 4.958.642 ca tử vong, tăng lần lượt 361.860 và 5.584, trong khi 221.147.444 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Lãnh đạo WHO kêu gọi nhóm nước G20 tăng cường chia sẻ vaccine theo gương Mỹ để tất cả các nước trên thế giới có thể tiêm chủng cho 40% dân số. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết đã gặp đại sứ Erica Barks-Ruggles, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, và cảm ơn Washington vì "đi đầu trong chia sẻ vaccine". Mỹ tới nay đã chuyển hơn 200 triệu liều vaccine cho hơn 100 quốc gia, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cam kết chia sẻ 1,1 tỷ liều vaccine cho nhóm nước có thu nhập thấp và trung bình, trong nỗ lực cùng thế giới chống đại dịch. Châu Âu hiện được xem như điểm nóng Covid-19, khi nhiều nước trong khu vực ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh gần đây. Anh, vùng dịch thứ tư thế giới, tuần qua ghi nhận số ca nhiễm cao nhất kể từ ngày 21/7. Khoảng 333.465 người dương tính với nCoV trong 7 ngày qua, tăng 15% so với tuần trước đó. Tỷ lệ tử vong cũng tăng 12% trong tuần qua. Giáo sư Peter Openshaw, cố vấn Covid-19 của chính phủ Anh, lo ngại quốc gia này phải đối mặt với đợt đóng cửa khác vào dịp Giáng sinh, khi cho rằng số ca nhiễm và tử vong hiện tại "không thể chấp nhận". Ông kêu gọi công chúng làm mọi thứ có thể để ngăn chặn dịch lây lan, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp như làm việc tại nhà và đeo khẩu trang. Lời cảnh báo của ông đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chối lời kêu gọi áp các biện pháp hạn chế Covid-19 và không cho rằng có thể xảy ra kịch bản phong tỏa vào mùa đông. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak khẳng định việc triển khai tiêm vaccine và tiêm nhắc lại khiến việc đóng cửa hoặc hạn chế kinh tế đáng kể khó xảy ra. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đầu tuần này thừa nhận ca nhiễm mới ở Anh có thể chạm mức 100.000 ca mỗi ngày, nhưng nhận định mọi thứ vẫn nằm trong khả năng dự phòng. Đức cũng ghi nhận xu hướng Covid-19 tăng. Tỷ lệ nhiễm nCoV trung bình 7 ngày của quốc gia này lần đầu chạm mức 100 ca/100.000 dân kể từ tháng 5. Viện Y tế Robert Koch (RKI) của Đức cho biết 8 ngày trước, tỷ lệ này mới ở mức 68,7. Thông tin đáng lo ngại mới được đưa ra một ngày sau khi Bộ Y tế Đức cảnh báo "đang chứng kiến tình hình dịch leo thang". Đức đã ghi nhận 9.267 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm nCoV ở nước này lên 4.464.667. Đến nay, quốc gia châu Âu này đã báo cáo 95.794 ca tử vong. Tình hình Covid-19 cũng diễn biến xấu đi ở một số quốc gia khác như Bulgaria, Ba Lan, Latvia, quốc gia châu Âu đầu tiên phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa vì Covid-19. Nga hôm qua ghi nhận thêm 1.075 người chết vì Covid-19, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp báo cáo số ca tử vong kỷ lục. Số ca nhiễm mới là 37.678, cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Nga hiện ghi nhận hơn 8,16 triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 228.000 người đã chết. Dù có vaccine tự sản xuất, chỉ khoảng 1/3 dân số Nga đã tiêm chủng. Điện Kremlin ngày 22/10 thừa nhận Nga tiêm chủng tệ nhất châu Âu, trong khi các biến chủng nCoV khiến số người nhiễm virus và diễn biến nặng tăng nhanh. Trong khi đó, tình hình Covid-19 ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Số ca nhiễm mới đã giảm 25% trong vòng 14 ngày qua, trong khi tỷ lệ nhập viện và tử vong lần lượt giảm 19% và 15%, theo NY Times. Mỹ báo cáo 46.287.718 ca nhiễm và 756.137 ca tử vong, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 23.122 người nhiễm và 416 người chết trong 24 giờ qua. 78% người Mỹ trên 12 tuổi và đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 67% đã hoàn thành kế hoạch tiêm chủng. Mỹ cũng đang triển khai chiến dịch tiêm tăng cường và dự kiến mở rộng tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11. Tại châu Á, tình hình dịch nhìn chung giảm, khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng được cải thiện. Hàn Quốc hôm qua tuyên bố đạt mục tiêu 70% dân số tiêm chủng vaccine Covid-19. Quốc gia 52 triệu dân đã có khởi đầu chậm chạp, khi tới cuối tháng 2 mới triển khai tiêm chủng. Tuy nhiên, tới ngày 23/10, mục tiêu 70% đã được hoàn thành. Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol tuần trước nói chính phủ sẽ quyết định bắt đầu quay lại cuộc sống bình thường từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 mới vì biến chủng Delta với số ca nhiễm trong 24 giờ cao nhất từ ngày 20/9. Giới chức y tế Trung Quốc ghi nhận 38 ca Covid-19 lây nhiễm nội địa trong ngày 22/10, với các ca nhiễm hiện tập trung tại phía bắc và tây bắc Trung Quốc. Lần gần nhất Trung Quốc ghi nhận hơn 40 ca nhiễm trong vòng 24 giờ là ở tỉnh Phúc Kiến, phía tây nam nước này, ngày 20/9. Trung Quốc đã tiêm chủng 2,23 tỷ liều vaccine Covid-19, với khoảng 1,05 tỷ người tiêm chủng đầy đủ, theo Our World in Data. Shao Yiming, nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc và thành viên nhóm chuyên trách về vaccine Covid-19, cho biết quốc gia này sẽ không triển khai tiêm trộn vaccine cho tới khi có thêm nhiều dữ liệu khoa học về phương pháp này.
Tại Đông Nam Á, Lào đang lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng sau khi ghi nhận thêm 467 ca mắc mới và 1 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới, có tới 449 ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận tại 10 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Vientiane tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận 232 ca mắc mới trong một ngày, theo đó 216 bản tại 9 quận được quy định là vùng đỏ. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 34.985 ca, trong đó có 50 ca tử vong. Trong khi đó, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh cấm tất cả các chuyến bay từ Malaysia, Indonesia và Philippines, sau khi hầu hết người dân ở vương quốc này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là một phần trong kế hoạch hành động của Campuchia mở lại dần các hoạt động kinh tế và xã hội trong mọi lĩnh vực thông qua việc thích ứng với trạng thái bình thường mới và kích hoạt lại các dịch vụ vận tải đường không. Campuchia ngày 23/10 xác nhận có thêm 144 ca mắc mới COVID-19 và 10 ca tử vong trong 24 giờ qua, gồm 32 ca nhập cảnh và 112 ca lây nhiễm cộng đồng. Campuchia cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong do COVID-19, tất cả các ca này đều chưa tiêm phòng. Tại Singapore, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, chỉ những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 hoặc những người đã khỏi bệnh hoàn toàn trong vòng 270 ngày trước thời điểm đó ở nước này mới được quay trở lại nơi làm việc. Những lao động chưa tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 muốn quay trở lại nơi làm việc sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được Bộ Y tế Singapore (MOH) chấp nhận và còn hiệu lực trong thời gian người đó dự kiến ở lại nơi làm việc, và họ sẽ phải chịu hoàn toàn các chi phí xét nghiệm.
Tại Malaysia, tính đến ngày 22/10, tổng cộng 22.109.534 người ở nước này - tương đương 94,4% dân số trưởng thành - đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 1.456.265 trẻ đã tiêm chủng đủ liều. Ngày 23/10, Malaysia ghi nhận 5.828 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2,426 triệu ca. Brunei đang hướng tới mục tiêu 80% dân số hoàn thành tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Brunei Isham Jaafar nhấn mạnh đây là cách tốt nhất để sống chung với dịch bệnh.Tính đến ngày 21/10, Brunei đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 346.829 người, tương đương 80,7% dân số, trong đó 240.978 người (56% dân số) đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. Ngày 22/10 Brunei ghi nhận 130 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 11.672 ca.
Nguồn: Tổng hợp
|