Các chuyên gia nhận định người mắc Covid-19 sau tiêm vaccine ít có khả năng lây nhiễm virus và thường trong tình trạng nhẹ, hồi phục nhanh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu một người đã tiêm vaccine Covid-19 nhưng vẫn nhiễm bệnh, họ có thể truyền virus cho người khác. Song, NPR dẫn một số nghiên cứu mới cho thấy mối đe dọa của những người mắc Covid-19 sau tiêm vaccine không cao như chúng ta thường lo ngại.
Bằng chứng ít ỏi
Nhà miễn dịch học Ross Kedl, Đại học Y khoa Colorado, Mỹ, cho hay về bản chất, virus mà người đã tiêm vaccine bị nhiễm sẽ khác với virus trong cơ thể một người chưa được tiêm. Bởi người đã tiêm chủng tạo kháng thể chống lại nCoV. Ngay cả khi kháng thể không chặn được sự lây nhiễm, chúng vẫn “bao phủ” các virus và giúp tỷ lệ lây nhiễm sang người lành giảm xuống.
Tại Provincetown, Massachusetts, Mỹ, vào mùa hè, số người mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine tăng vọt. Điều này khiến nhiều người lo ngại các F0 này lây truyền và tạo thành làn sóng dịch bệnh ngầm.
Song, ông Kedl phản đối quan điểm nói trên. Một nghiên cứu gần đây tại Israel về các ca mắc Covid-19 sau tiêm vaccine ở nhân viên y tế cho thấy tất cả bệnh nhân đều có nguồn lây rõ ràng. Họ bị lây từ một F0 chưa được tiêm chủng.
Số lượng chính xác bao nhiêu người mắc Covid-19 sau tiêm vaccine vẫn chưa được thống kê cụ thể. Ảnh: Freepik.
Cụ thể, trong số 1.497 nhân viên y tế được tiêm chủng đầy đủ, 39 ca mắc Covid-19. Hiệu giá kháng thể trung hòa ở những người này thấp hơn so với người mắc Covid-19 nhưng chưa tiêm vaccine.
Hầu hết người mắc đều trong tình trạng nhẹ hoặc không triệu chứng. Khoảng 19% gặp triệu chứng dai dẳng >6 tuần. 85% mẫu thử nghiệm nhiễm biến chủng Alpha. Ngoài ra, 74% F0 có tải lượng virus cao (CT <30) tại một thời điểm nào đó. Song, các bệnh nhân này không lây nhiễm thêm cho người khác (lây nhiễm thứ phát).
Theo ông Kedl, hiện nay, rất ít nghiên cứu về số người mắc Covid-19 sau tiêm vaccine. Con số thống kê của bao nhiêu trường hợp như vậy gần như không có. Một số nghiên cứu tập trung vào triệu chứng của bệnh nhân.
Ngày 1/9, các nhà khoa học tại King’s College London (Anh) công bố nghiên cứu trên tạp chí The Lancet ngày 1/9 cho thấy việc tiêm hai liều vaccine giúp giảm khoảng 50% khả năng mắc Covid-19 kéo dài ở người trưởng thành.
Những người được tiêm chủng đầy đủ nếu mắc Covid-19 có khả năng phải nhập viện thấp hơn 73%. Người đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19 thường được gọi là trường hợp lây nhiễm đột phá.
Bên cạnh đó, khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng ở nhóm này cũng giảm 31%, theo nghiên cứu. Các triệu chứng phổ biến nhất gồm mất khứu giác, ho, sốt, đau đầu và mệt mỏi, thường nhẹ hơn ở những người được tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khác từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) phát hiện những người bị rối loạn sử dụng chất kích thích có nguy cơ cao mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine.
Người mắc Covid-19 sau tiêm vaccine thường trong tình trạng nhẹ, không triệu chứng và hồi phục nhanh. Ảnh: Times of India.
Đeo khẩu trang ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19
Để lý giải về tình trạng mắc Covid-19 sau tiêm vaccine, nhiều người đặt giả thuyết hiệu quả của vaccine không phải 100%, biến chủng Delta ngày càng nguy hiểm, thời gian kích hoạt hệ miễn dịch ở một số trường hợp chậm hơn bình thường hoặc bị suy giảm.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng vaccine mRNA (Pfizer, Moderna) được sản xuất sẽ chỉ tạo kháng thể lưu thông khắp cơ thể. Điều đó khiến một số khu vực như niêm mạc mũi, họng, miệng bị bỏ qua, khiến virus xâm nhập từ đây và vào cơ thể.
Song, giả thuyết này nhanh chóng bị phản bác. TS Michael Caspi Tal, giảng viên của Viện Sinh học Tế bào gốc và Y học Tái sinh, Đại học Stanford, cho hay ông tìm thấy lượng lớn kháng thể nCoV ở niêm mạc mũi, miệng. Đây là hai trong số các điểm xâm nhập chính của virus.
Cùng quan điểm, nhà miễn dịch học Jennifer Gommerman, Đại học Toronto, cũng phát hiện phản ứng miễn dịch niêm mạc cục bộ vẫn được tạo ra sau khi người nào đó tiêm một mũi vaccine Covid-19 ở bắp tay.
Nếu có kháng thể trong màng niêm mạc, chúng có thể bao phủ bất kỳ loại virus nào xâm nhập mũi, họng. Vì vậy, virus thoát ra ngoài qua đường thở, ho, hắt hơi sẽ ít gây lây nhiễm hơn.
Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp được khuyến cáo ở những người đã tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Freepik.
Theo TS Gommerman, đến nay, vaccine được đưa trực tiếp vào mô niêm mạc là cách duy nhất tạo kháng thể trong mũi hoặc họng. Điều này là phương án tốt nhất để giảm nguy cơ mắc Covid-19 sau tiêm vaccine xuống thấp nhất. Song, với vaccine Covid-19, câu chuyện trở nên rất khó khăn.
Bởi ngay cả các tác giả trên, họ cũng không khẳng định 100% vaccine được nhỏ trực tiếp vào niêm mạc mũi, họng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn tiêm bắp. Giới nghiên cứu không thể đưa con người vào các thử nghiệm có nhiều rủi ro.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến cáo tải lượng virus của người đã tiêm chủng giảm dần sau 5 ngày, đồng thời giai đoạn có thể truyền nhiễm bệnh ở người đã tiêm chủng ngắn hơn người chưa tiêm chủng.
Vì người đã tiêm chủng khi mắc Covid-19 vẫn có khả năng phát tán bệnh, những người tiếp xúc gần với họ cũng nên được liên lạc và xét nghiệm. Người tiếp xúc gần là người ở bên người dương tính Covid-19 lâu hơn 15 phút trong lúc không đeo khẩu trang và không đảm bảo giãn cách 1,8 m.
Trong khi giới chuyên gia tìm câu trả lời về nguyên nhân và đặc điểm của những người mắc Covid-19 sau tiêm vaccine, chúng ta vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ bản thân. Theo CDC, ngay cả khi đã được tiêm vaccine Covid-19, bạn nên đeo khẩu trang ở nơi đông đúc và ở nhà khi cảm thấy trong người không khỏe.
Nguồn: //zingnews.vn/phat-hien-moi-ve-nhung-nguoi-co-nguy-co-mac-covid-19-sau-tiem-vaccine-post1270447.html
Tham khảo thêm các bài báo trên JAMA